PNCN – Cho người đối diện cảm giác về tính cách trầm tĩnh, nhẹ nhàng, hướng nội, nhưng những gì diễn ra xung quanh nhà thiết kế thế hệ 8x này dường như hoàn toàn ngược lại.
– Thật ra, tôi tham gia chương trình đơn giản vì hai lý do: tôi mê ca hát từ nhỏ nên nghĩ chương trình như một cuộc chơi để mình có dịp hát hò cho vui. Ngoài ra, còn có sự rủ rê của ca sĩ Thảo Trang – một người bạn thân, nên tôi đồng ý. Nhưng bước vào rồi, tôi mới thấy rõ những khó khăn và mệt mỏi ngoài hình dung của mình. Tham gia cuộc chơi, tôi cũng học được cách chịu đựng áp lực tốt hơn, nhận được sự động viên từ nhiều người.
* Nhiều người cho rằng Thuận Việt không cần phải PR thương hiệu từ những điều không thuộc sở trường như vậy, nên tiếp theo sau những đồn thổi về chuyện tình cảm của anh với hoa hậu Dương Mỹ Linh, lần xuất hiện này anh có ngại xảy ra một hiệu ứng ngược?
– Trước đây, xuất hiện trước một chương trình sự kiện là điều mà tôi luôn rất ngại và né tránh, nhưng qua bảy năm làm việc ở lĩnh vực thời trang, tiếp xúc với nhiều người trong giới giải trí, tôi đủ bình tĩnh để biết làm gì cho đúng. Công việc thiết kế đem đến cho tôi nhiều cơ hội và những người bạn tốt, Dương Mỹ Linh cũng là một người bạn thân, nên những lần có mặt cùng cô ấy ở những chỗ đông người vô tình khiến mọi người chú ý hơn. Chúng tôi chỉ là bạn bè thân thiết mà thôi. Trong nghề thiết kế, để PR, có rất nhiều cách, những cách đó không phải là thứ mà tôi lựa chọn. Tôi là một người trẻ, nên ngoài công việc cũng cần có những nhu cầu, quan hệ cho bản thân. Tôi xác định rất rõ, tôi vẫn chỉ là một NTK. Đam mê của tôi luôn là việc tìm ra ý tưởng cho những chiếc áo dài mang thương hiệu Thuận Việt, để luôn làm hài lòng khách hàng, vừa giữ được vẻ đẹp dịu dàng truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, vừa phải có tính sáng tạo.
* Những họa tiết từ kỹ thuật thêu tay và việc công phu tỉ mỉ đính từng hạt đá quý được xem là những điểm nổi bật nhất của áo dài Thuận Việt. Để tạo sự khác biệt, những sáng tạo của anh luôn phải phụ thuộc vào những chất liệu sang trọng như vậy sao?
– Gia đình tôi có truyền thống làm nghề thêu tay nên việc giữ gìn và phát huy thế mạnh đó là cần thiết. Thế nhưng, để tạo sự khác biệt và tồn tại được trên thị trường thì đòi hỏi người thiết kế phải biết ứng dụng sao cho sản phẩm thể hiện được tính hiện đại, sang trọng, phù hợp với từng cá nhân, chứ không đơn thuần là việc đính những thứ sang trọng lên chiếc áo. Có định kiến cho rằng người mặc họa tiết thêu trông già hơn tuổi. Tôi muốn chứng minh điều ngược lại nên rất kỹ tính, khi làm thường bao quát hết các khâu từ vẽ mẫu, chọn vải, chọn màu, thêu, nhuộm chỉ… để cho ra một sản phẩm ưng ý nhất.
* Anh chọn áo dài là hướng đi chính, trong khi có nhiều người đi trước đã thành công với những ý tưởng mới. Vậy với anh, đâu là khó khăn lớn nhất phải vượt qua để khẳng định thương hiệu?
– Đứng trước một bộ sưu tập mới, khó khăn lớn nhất đối với tôi là việc tìm ý tưởng. Lằn ranh giữa sự phản cảm và phá cách rất mong manh, nên để đạt được mục tiêu cũng không dễ dàng. Hiện nay, yêu cầu thẩm mỹ của khách hàng rất cao, có khi cũng từ những gợi ý của họ cho tôi ý tưởng rất hay. Tuy nhiên, điều quan trọng NTK phải biết mình đang thực hiện sản phẩm cho đối tượng nào, nếu áp dụng chung cho mọi người một công thức, một chất liệu, chắc chắn sẽ thất bại. Nước ta với đặc điểm khí hậu nóng ẩm, nếu mặc áo dài thường xuyên không tránh khỏi cảm giác khó chịu. Để đem lại sự thoải mái cho người mặc, ngoài những chất liệu truyền thống như tơ lụa, chiffon, thổ cẩm… chúng tôi cũng mạnh dạn đưa vào phối hợp các loại vải có độ co giãn tốt, dễ sử dụng như thun bốn chiều và đang được nhiều người ưa chuộng.
* Là một trong số ít NTK được các người đẹp, hoa hậu “chọn mặt gửi vàng” đặt hàng những bộ áo dài đặc biệt để tham gia các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới, anh thấy mình được và mất gì khi tận dụng những cơ hội đó?
– Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được các người đẹp tin tưởng. Từ bộ áo dài thêu hình đôi rồng, đính đá pha lê cầu kỳ thiết kế cho siêu mẫu – hoa hậu Thanh Hằng tham gia cuộc thi hoa hậu liên lục địa năm 2006, đến bộ áo dài Vũ khúc hạc cho hoa hậu Thùy Lâm tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2008 đã cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm và cảm xúc trước áp lực lớn từ sự quan tâm của công chúng. Đằng sau thử thách, cơ hội thể hiện khả năng của mình, tôi cũng nếm trải sức ép khen chê từ nhiều phía. Nhưng chính nhờ đó, tôi có thêm nhiều trải nghiệm, tự tin hơn khi thực hiện các bộ trang phục của Hoàng My, Diễm Hương, Hương Giang… sau này.
* Không qua đào tạo trường lớp, sau bảy năm, từ một sinh viên quản trị kinh doanh, anh đã thành danh một NTK, con đường đi đến thành công khá nhanh của Thuận Việt được xem do có hậu thuẫn tốt từ gia đình. Anh có đồng tình với nhận định này không?
– Gia đình tôi có năm anh em, bốn trai, một gái. Chúng tôi lớn lên trong hoàn cảnh công việc của gia đình đang gặp khó khăn. Ba mẹ tôi có cơ sở gia công thêu áo dài, nhưng mọi việc không suôn sẻ như mong muốn. Hàng ngày chứng kiến ba mẹ cặm cụi trên bàn thêu, tất cả anh em chúng tôi ngoài giờ học đều mỗi người một tay phụ giúp lo kinh tế cho gia đình. Vốn thích vẽ, nên dù học ngành quản trị kinh doanh, tôi vẫn mày mò tìm vẽ những mẫu thêu cho mẹ. Hiệu quả bất ngờ từ những mẫu thêu của tôi được khách hàng quan tâm đã giúp gia đình mạnh dạn chuyển sang hướng hoàn chỉnh các khâu cho áo dài. Rồi từ một cửa hàng bán đồ lưu niệm, thủ công, áo may sẵn dành cho khách du lịch, tôi chuyển sang chuyên về áo dài. Cho đến nay, chúng tôi đã có xưởng thêu, may với trên 60 nhân công. Tôi đi lên từ truyền thống gia đình nên luôn trân trọng điều đó.
* Trong năm mới 2013, kế hoạch nào khiến anh bận tâm nhất?
– Ngay sau khi kết thúc chương trình Cặp đôi hoàn hảo, tôi bắt tay vào thực hiện bộ sưu tập mới lấy ý tưởng từ hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam của những năm 1930 bằng chất liệu lụa, tham gia chương trình Khát vọng sống của báo Thanh Niên tổ chức tại Ucraina vào tháng 5/2013.
* Xin cảm ơn anh.
Cẩm Lệ (thực hiện)- Phụ Nữ Chủ Nhật